Translate

Sunday 18 January 2015

DÂN TỘC NÙNG


Người Nùng là quần thể cư dân sinh sống ở nước ta tập trung chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và ở một vài địa phương khác. Tổ tiên của người Nùng xưa kia ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sang cư trú ở nước ta vào khoảng thế kỷ XVII hoặc thế kỷ thứ XVIII. Người Nùng có nhiều nhóm địa phương, tên gọi thường gắn liền với địa danh quê cũ như: Nhóm Nùng An quê gốc ở châu An Kết, nhóm Nùng Chải quê gốc ở Long Châu, nhóm Nùng Lòi quê gốc ở Hạ Lôi, nhóm Nùng Phàn Sình, quê gốc ở Vạn Thừa Châu, tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Đai) với dân số khoảng 705.928 người.
Người Nùng là một quần thể cư dân làm nông nghiệp ruộng nước rất thành thạo như người Việt, người Tày, song nơi cư trú của họ là khu vực chuyển tiếp giữa vùng thấp và vùng cao ruộng nước ít, nương rẫy giữ vị trí quan trọng, đất trồng trọt được chia làm hai loại. Ruộng nước ở các thung lũng hẹp và khó canh tác thường là thiếu nước, làm ruộng nương thâm canh ở các thung lũng, còn làm ruộng rẫy ở nơi rừng già, hoặc là rừng tái sinh, ở những nơi có nhiều cây to, rừng rậm um tùm, tre nứa.
Công việc bắt đầu vào mùa làm nương rẫy là vào tiết Cốc Vũ hàng năm, khi Thanh minh xong vào đầu tháng tư (âm lịch) thì gieo hạ. Từ xa xưa người Nùng vẫn có tập quán chọc lỗ tra hạt, tập quán này bỏ hẳn từ lâu, nay áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật làm tăng trưởng cây trồng, xen canh gối vụ, đạt năng suất và sản lượng cao.
Người Nùng vốn có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gia súc gia cầm, lai tạo được nhiều giống lợn tốt, trong đó có giống lợn đen Mường Phương, lợn Lạng Sơn, ngựa Cao Bằng.. . Đó là những mặt tích cực sống cũng còn có một số hạn chế, do tập quán thói quen trong việc chăn dắt vẫn nặng tính tự nhiên, trâu bò còn thả rông trong rừng, gia cầm nuôi dưới gầm nhà sàn.
Nghề phụ trong gia đình làm thủ công nghiệp của người Nùng rất phát triển đa dạng và phong phú, nổi bật nhất là nghề trồng bông, xe sợi dệt nhuộm vải đến khi ra thành phẩm như ở huyện Hà Quảng, Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng), huyện Cao Lộc và huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) rất dồi dào như một nghề sống chính. Riêng nhóm người Nùng An lại có thêm nghề rèn đúc các công cụ và đồ dùng phục vụ gia đình, nổi tiếng được nhiều địa phương ưa dùng.
Các nhóm người Nùng nói chung nổi tiếng với các sản phẩm đan mây tre, dệt chiếu, đóng thùng gỗ, yên ngựa, sản xuất giấy, làm đường phèn, đặc biệt mới nhóm người Nùng ở mỗi bản có những nghề riêng biệt rất khéo tay.
Thôn xóm (bản) của người Nùng ở các thung lũng bên sườn đồi hoặc chân núi ven các sông suối, mỗi bản thường có từ mươi mười lăm nóc đến 40, 50 nóc nhà quần tụ với nhau, mỗi bản có cây đa bến nước, miếu thờ thổ công, có bãi bằng làm sân chơi và là nơi hội họp trong các dịp vui của dân bản, ngày hội, ngày lễ v.v. . . Người Nùng sống xen ghép gần gũi với người Tày, nhưng họ vẫn thành một bản sinh hoạt riêng. Trước đây người Nùng mỗi bản hoặc ba đến bốn bản ở quây quần bên nhau, họ bố trí thành một hệ thống phòng thủ, làm hàng rào bao quanh để chống trộm cướp và giặc dã xâm nhập.
Người Nùng ăn cơn bằng gạo tẻ là chính, ngoài ra còn ăn thêm ngô. Ngô xay thành bột nấu chái đặc như bánh đúc. Trong bữa ăn có rau, dưa, thịt, cá nhưng không nhiều. Các đồ ăn hay đem xào, rán rất ít khi luộc. Các ngày lễ ngày Tết làm nhiều loại bánh. Khi có khách có tập quán chúc rượu bằng thìa. Người Nùng không ăn trầu, khi nam nữ đến tuổi trưởng thành đều bọc một chiếc răng vàng ở hàm trên.
Trang phục của người Nùng rất đa dạng. Phụ nữ mặc áo năm thâm cài cúc vải bên nách phải, mỗi nhóm người Nùng lại có kiểu áo khác nhau chút ít về độ dài ngắn, rộng hẹp có khác nhau. Những đoạn ở cổ tay và lá sen bao giờ cũng đắp thêm một miếng vải khác màu. Nam giới mặc áo cổ đứng xẻ ngực với một hàng cúc và bốn túi không có nắp. Nam nữ đều mặc một loại quần vải màu chàm, cạp tơ ống rộng, dài sát mắt cá chân. Phụ nữ người Nùng có tập quán hay đeo tạp đề trước bụng, mỗi khi phải gồng gánh đem theo một miếng đệm trên vai.
Nhà ở của người Nùng có ba loại: Nhà sàn, nhà đất và nhà nửa sàn nửa đất. Nhà sàn là ngôi nhà truyền thống cổ xưa của người Nùng. Còn nhà đất thì làm to rộng, phổ biến là làm nhà kiểu ba gian vách gỗ lợp ngói máng. Đối với nhà sàn là nhà để sử dụng tổng hợp, người ở trên sàn, gầm sàn nhốt trâu, bò, lợn gà các loại gia súc gia cầm, trên gác chứa công cụ sản xuất và nông phẩm v.v...
Nhà đất hiện nay phổ biến ở những vùng dọc biên giới Việt trung hoặc những nơi sát bằng đá lợp mái ngói. Nhà nửa sàn nửa đất có tính chất tạm bợ chỉ tồn tại rất ít ở một số gia đình trước đây quen tập quán sống du cư, du canh. Sự sắp xếp bố trí đồ đạc trong nhà cơ bản là giống nhau giữa các nhóm người Nùng. Nhà cũng chia làm hai phần có bức vách ngăn để lối đi và gian giữa, phần trong đặt bếp là nơi sinh hoạt của phụ nữ, phần ngoài dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Khách đến chơi nhà là nữ ngủ phần trong, nam ngủ phần ngoài, trước nhà dựng cầu thang lên xuống và làm sân để phơi, phía sau nhà có cầu thang phụ có đặt một máng nước.
Xã hội của người Nùng trước Cách mạng tháng Tám phải sống dưới quyền cai trị của thổ ty, của địa chủ phong kiến, nhiều gia đình không đủ ruộng đất dể làm ăn, cày cấy, phải đi làm thuê cho tầng lớp nhà giầu, địa chủ phú nông để kiếm sống. Số tầng lớp địa chủ, phú người Nùng chiếm một tỉ lệ khoảng 2% dân số, còn đại bộ phận người Nùng vẫn là tầng lớp nông dân lao động bị áp bức bóc lột.
Trong gia đình xã hội của người Nùng mọi quan hệ giữa bố chồng nàng dâu, anh chồng em dâu có sự cách biệt rất nghiêm ngặt, không được vi phạm những điều đã cấm, để nâng cao đạo đức xã hội luân thường đạo lý và tránh tội lọan luân. Theo phong tục của người Nùng, dù người đó là con anh, con em, con chị nếu ai nhiều tuổi hơn thì được gọi là anh là chị. Người Nùng mỗi khi muốn gọi tên của một người nào đó, ít khi gọi thẳng tên của họ, mà thường gọi tên của đứa con dầu hoặc là cháu đầu của họ. Khi đặt tên cho con nhất thiết phải tuân theo hệ thống tiếng đệm của dòng họ mình thể hiện một tính thống nhất cao.
Việc cưới vợ gả chống cho con cái thuộc quyền của bố mẹ, dựa trên cơ sở con cái đã ưng thuận, cùng với việc xem số, tính tuổi của đôi nam nữ, sự tương quan ''môn đăng hộ đối'' giữa hai bên gia đình, là một trong những yếu tố quyết định thành công, dẫn đến hôn nhân suôn sẻ.
Một đám cưới của người Nùng có thể nói là rất tốn kém. Có đám cưới nhà gái thách đến hàng dăm ba chục triệu đồng, hai, ba tạ thịt. Theo quan niệm cổ xưa của người Nùng có như vậy thì cha mẹ mới ''mát mày mát mặt'' với hàng xóm láng giềng, ai cũng muốn mình được mát mày mát mặt như vậy, vì thế nhiều người trước đây đã không lo làm được đám cưới, tình yêu bị tan vỡ.
Theo tập quán cổ truyền, cơn gái về nhà chồng phải có nhiều của hồi môn như: Chăn, màn, gối, đệm, chậu rửa mặt, hòm đựng quần áo v.v... Sau ngày cưới cô dâu vẫn chưa ở hẳn nhà chồng, chỉ có mặt mỗi khi nhà chồng có công việc bận rộn, cần có người làm giúp khi đến dịp vào ngày lễ ngày Tết nhà chồng cho người sang đón. Tình trạng này kéo dài cho đến khi nào sắp sinh con, lúc đó mới được trở về ở hẳn nhà bên chồng.
Người phụ nữ đã đi lấy chồng là hoàn toàn phụ thuộc nhà chồng, nếu vì lý do nào đó mà bỏ chồng đi lấy người khác, thì phải trả lại tiền cưới, để lại toàn bộ tài sản và con cái cho gia đình chồng cũ nuôi.
Người Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà, bàn thờ đặt ở nơi trang trọng nhất có trang trí đẹp đẽ, có phùng slần (ghi tổ tiên thuộc dòng họ nào), có đặt lư hương trên bàn thờ, trong nhà còn thờ bà mụ Mẹ Hoa (vị thần bảo vệ trẻ em), ma cửa (thần trông nhà). Vào ngày đầu tháng, ngày rằm đều thắp hương lễ, dâng hoa quả, xôi chè rượu và các món ăn ngon để tỏ lòng thành kính. Người Nùng còn có tục cúng ma sàn (phi háng chàn), cúng các thần cô ở đầu ngõ vào ngày Tết Nguyên Đán.
Mỗi dòng họ bao gồm nhiều gia đình có lập miếu thờ thổ công, thổ địa đến khi lễ mời thầy tào, thầy mo đến cúng, vì sự cao tay của các ông thầy này mới có khả năng giao tiếp với các loại ma, loại thần nên được gọi bằng cái tên tôn kính nể trọng là Cần tha hùng (người mắt sáng). Những người này làm nghề cúng bái, khẩn cầu những sự tốt đẹp đến với mọi người được hạnh phúc, dân bản được yên vui, xua đuổi tà ma không được quấy nhiễu. Chính vì vậy mà tầng lớp các ông thầy tào, thầy mo được mọi người nể trọng.
Người Nùng sử dụng chữ Hán hoặc chữ Nôm Nùng để ghi chép các thơ ca, truyện cổ dân gian. Thời xa xưa, đại đa số người Nùng mù chữ vì nghèo không được đi học, nếu có biết chữ chỉ là số ít những người con nhà giàu, con nhà khá giả dư thừa cái ăn cái mặc, mới đi học chữ Hán hoặc học tiếng Pháp để mong có ước vọng làm thầy cúng, làm thông ngôn (phiên dịch).
Người Nùng là một dân tộc rất hồn nhiên yêu thích văn nghệ, ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thể diễn ra cuộc Sli, đến khi kết thúc bao giờ cũng diễn ra trao đổi vật kỷ niệm như chiếc vòng tay hay chiếc nhẫn, chiếc khăn mặt, khăn tay, chiếc túi, nhiều những món quà làm kỷ niệm khác. Song Sli vẫn được nhiều người yêu thích, vì Sli là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, mới nhóm người Nùng lại có giai điệu hát Sli khác nhau như: Điệu soong lằn nhì hào của người Nùng phàn sình, điệu si ới của người Nùng Lòi, điệu hà lều của người Nùng An, điệu tả Sli của người Nùng Giang v.v...
Ngoài hát đối đáp nam nữ là nét dẹp văn hóa cổ truyền, người Nùng còn tổ chức các đội múa sư tử, là một hình thức văn hóa thể thao lành mạnh được lớp trẻ rất ưa thích, còn là nơi huấn luyện vũ thuật cho các thanh niên nâng cao sức khỏe, để bảo vệ bản, bảo vệ quê hương khi có giặc dã trộm cướp đến quấy phá cướp bóc.
Người Nùng là một dân tộc có truyền thống đấu tranh chống xâm lược, họ luôn kề vai sát cánh cùng với người Việt và nhiều dân tộc anh em khác để chống kẻ thù chung là bọn phong kiến, thực dân đế quốc đàn áp và bóc lột.
Trước Cách mạng tháng Tám, nhiều vùng người Nùng là cơ sở cách mạng vững chắc như: Pắc Pó, Ma Líp. Chính những nơi quê hương cách mạng này đã sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc Nùng như: Kim Đồng, La Văn Cầu, Triệu Thị Soi mãi mãi vẫn là tấm gương ngời sáng đã anh dũng hi sinh để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc Việt Nam.
Ngày nay, cuộc sống của người Nùng đã biến đổi to lớn, những kết quả nhiều năm đã đạt được về mọi mặt về kinh tế văn hóa giáo dục. Đảng đã đem ánh sáng văn hóa về cho người Nùng, cùng với đội ngũ cán bộ, trí thức là con em người Nùng, ngày càng trưởng thành đông đảo, người Nùng đã được các thành tựu về khoa học kỹ thuật, đang tiến lên con đường văn minh hạnh phúc, ra sức xây dựng quê hương giầu đẹp và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

1 comment: